Hợp đồng thử việc là gì? Những lưu ý quan trọng trong năm 2024

che-do-thu-viec-2024
Những điều cần biết về chế độ thử việc

Trước khi trở thành nhân viên chính thức tại một công ty, bạn cần phải trải qua quá trình thử việc. Đây là khoảng thời gian ứng viên thể hiện năng lực của mình, đồng thời cân nhắc bản thân có thật sự phù hợp với tính chất công việc hoặc văn hóa doanh nghiệp hay không. 

Vậy hợp đồng thử việc có bắt buộc không? Chế độ thử việc trong năm 2024 có những điểm gì đáng lưu ý? Đâu là cách tăng năng suất làm việc, tận dụng tối đa “nguồn lực” của bản thân để tạo ấn tượng với sếp, vượt qua khoảng thời gian thử việc một cách suôn sẻ? Hãy tìm hiểu ngay trong bài viết này cùng Cake Resume nhé!

Hợp đồng thử việc là gì?

Hợp đồng thử việc không có định nghĩa cụ thể. Tuy nhiên, theo khoản 1, Điều 24 Bộ Luật Lao động 2019, hợp đồng thử việc được mô tả như sau:

“Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc”.

Có thể hiểu rằng hợp đồng thử việc là một bản nội dung cam kết giữa người sử dụng lao động và người lao động liên quan đến quá trình thử việc. Thông thường, hợp đồng thử việc sẽ bao gồm những nội dung sau:

  • Quyền hạn và trách nhiệm của người sử dụng lao động
  • Quyền hạn và trách nhiệm của người lao động
  • Quyền lợi mà người lao động nhận được (mức lương, phụ cấp, chế độ phúc lợi từ công ty…)
  • Quy định từ phía công ty (địa điểm làm việc, thời gian làm việc, quy định về đồng phục…)
  • Trang bị bảo hộ, máy móc thiết bị từ phía công ty cung cấp

Như vậy, hợp đồng thử việc có phải hợp đồng lao động hay không? - Câu trả lời là: “Không”. Giữa hợp đồng thử việc và hợp đồng chính thức tồn tại một số điểm khác biệt sau:

  • Hợp đồng thử việc kéo dài trong thời gian ngắn khoảng vài tháng, nhưng hợp đồng lao động có thời hạn tối thiểu 1 năm
  • Mức lương quy định trong hợp đồng lao động thử việc có thể thấp hơn mức lương gốc của vị trí làm việc, thường chiếm ít nhất 85%
  • Hợp đồng lao động bắt buộc phải lập thành văn bản, nhưng hợp đồng thử việc thì không bắt buộc.

Quy định chế độ thử việc 2024

1. Thời gian thử việc

Theo quy định tại Điều 25 Bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực từ 18/9/2023), thời gian thử việc được quy định như sau:

Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:

  • Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014.
  • Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên.
  • Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
  • Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.

2. Thời gian làm việc

Theo Điều 105 và khoản 1 Điều 109 Bộ luật Lao động 2019, thời gian làm việc của chế độ thử việc năm 2024 được quy định như sau:

  • Không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
  • Người lao động làm việc từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.
  • Trường hợp người lao động làm thử việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.

3. Các ngày nghỉ trong năm

Theo khoản 2 Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, người lao động trong quá trình thử việc vẫn được quyền nghỉ phép và hưởng nguyên lương vào những ngày lễ tết có trong quy định của Nhà nước, bao gồm:

  • Tết Dương lịch và Tết Âm lịch
  • Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam 30/4
  • Ngày Quốc tế lao động 1/5
  • Ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch)
  • Ngày Quốc khánh 2/9

4. Những nội dung được quy định trong hợp đồng thử việc

Dựa theo khoản 2 Điều 24 Bộ luật Lao động 2019, các nội dung cần có trong hợp đồng thử việc gồm:

  • Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động.
  • Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động.
  • Công việc và địa điểm làm việc.
  • Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
  • Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
  • Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động.

Đọc thêm: Onboarding là gì? 4 giai đoạn của quy trình đào tạo nhân viên mới

Câu hỏi thường gặp về thử việc

1. Thời gian thử việc kéo dài bao lâu?

Thời gian thử việc không kéo dài quá 180 ngày, tùy thuộc vào từng doanh nghiệp khác nhau, và được quy định rõ trong hợp đồng thử việc. 

2. Có bắt buộc ký hợp đồng thử việc không?

Trên thực tế, Bộ luật Lao động 2019 không có quy định nào bắt buộc người lao động phải ký hợp đồng thử việc. Người sử dụng lao động và người lao động có thể tự thỏa thuận với nhau về thông tin thử việc, hình thức giao kết hợp đồng (có thể bằng văn bản hoặc bằng miệng). Như vậy có thể hiểu rằng, tình huống công ty không ký hợp đồng thử việc là hoàn toàn hợp pháp.

3. Hợp đồng thử việc có phải đóng Bảo hiểm xã hội không?

Theo quy định, hợp đồng thử việc không thuộc loại hợp đồng đóng bảo hiểm xã hội. Do đó, trong thời gian chưa trở thành nhân viên chính thức, người lao động sẽ không được đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, vẫn có một số doanh nghiệp có chế độ đóng BHXH cho người lao động trong thời gian thử việc. 

4. Hợp đồng thử việc có phải đóng thuế TNCN không?

Theo quy định tại điểm I khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC:

“Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC) hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.”

Như vậy, trong thời gian thử việc, người lao động được khấu trừ 10% TNCN nếu có mức thu nhập từ 2.000.000đ/tháng trở lên.

5. Mức lương trong thời gian thử việc được tính như thế nào?

Trong thời gian thử việc, mức lương bạn nhận được sẽ bằng tối thiểu 85% so với mức lương gốc của vị trí công việc.

Nếu người lao động làm việc tại công ty thuộc khu vực có mức lương tối thiểu vùng, thì mức lương thử việc không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng và phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với công việc đã qua học nghề, đào tạo nghề.

🔎 Ví dụ: Anh Nguyễn Văn A làm việc tại một doanh nghiệp thuộc vùng I (mức lương tối thiểu vùng: 4.680.000 đồng) và có mức lương là 12.000.000 đồng/tháng. Mức lương trong quá trình thử việc được tính theo 2 trường hợp sau:

  • Căn cứ theo thỏa thuận của anh A và doanh nghiệp: 12.000.000 x 85% = 10.200.000 đồng
  • Căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng I: 107% x 4.680.000 = 5.007.700 đồng

Trong trường hợp này, mức lương thử việc cao hơn sẽ được áp dụng cho anh Nguyễn Văn A - là 10.200.000 đồng. 

6. Có được gia hạn thời gian thử việc không? 

Câu trả lời là: “Có”, nhưng tùy thuộc vào quy định của từng công ty. Trong trường hợp bạn muốn có thêm thời gian để chứng minh năng lực của bản thân và được sự chấp thuận từ công ty, vẫn có thể gia hạn hợp đồng thử việc.

7. Chấm dứt hợp đồng thử việc có cần báo trước hay không?

Câu trả lời cho trường hợp này là: “Không”. Trong giai đoạn thử việc, người sử dụng lao động hoặc người lao động có quyền chấm dứt hợp đồng thử việc trước thời hạn mà không cần báo trước. 

Kết luận

Nắm vững những thông tin cơ bản về quá trình thử việc và hợp đồng thử việc sẽ giúp bạn hiểu rõ những quyền hạn, trách nhiệm và quyền lợi mình sẽ nhận được khi làm việc tại một doanh nghiệp nào đó. 

Hiện nay, những thông tin về hợp đồng thử việc đều được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật, bạn có thể nhờ đến sự hỗ trợ của bộ phận nhân sự của công ty trong trường hợp thắc mắc. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tham khảo những bài viết cùng chủ đề của CakeResume. 

Đọc thêm: Cách xin nghỉ việc “đắc nhân tâm” khiến sếp không thể chối từ

Doanh nghiệp của bạn mong muốn xây dựng đội ngũ nhân viên chất lượng? Liên hệ ngay với đội ngũ giàu kinh nghiệm của CakeResume để được tư vấn về giải pháp tuyển dụng hiệu quả nhất, mà vẫn đảm bảo tối ưu hóa thời gian, chi phí và nguồn lực cho quy trình tuyển dụng của công ty.

--- Tác giả: Irene Nguyen ---

Resume Builder

Build your resume only in minutes!

More Articles you might be interested in

Latest relevant articles
Workplace
Mar 6th 2024

Cách trả lời thư mời nhận việc chuyên nghiệp (kèm email mẫu)

Dù chấp nhận hay từ chối, việc viết email trả lời thư mời nhận việc sẽ giúp nhà tuyển dụng nắm được quyết định của bạn và kịp thời tiến hành các bước tiếp theo.