Logistics là gì? Bàn về ngành học Logistics và cơ hội việc làm

logistics-la-gi
Tổng quan về quy trình quản lý chuỗi cung ứng

Điều gì sẽ xảy ra ở một thế giới không có Logistics? Bạn muốn sở hữu một sản phẩm mới ra mắt, nhưng nó lại chỉ có ở một nhà máy xa thật xa. Không có cơ chế nào đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng, cũng không có hệ thống nào đảm bảo chúng được lưu trữ tốt. Logistics được sinh ra để giải quyết tất cả những vấn đề đó, nhưng thực sự thì Logistics là gì mà lại quan trọng đến vậy?

Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về chuyên ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng - một lĩnh vực “hot” trong kinh doanh/công nghiệp hiện đại, cũng như bàn luận về các lựa chọn định hướng nghề nghiệp cho sinh viên Logistics nhé!

Tìm hiểu về Logistics và quản lý chuỗi cung ứng

Logistics là gì?

Thuật ngữ Logistics có nguồn gốc tiếng Pháp là “logistique”, được bắt đầu sử dụng để chỉ việc quản lý và triển khai, lưu thông trong quân đội từ thế chiến thứ nhất.

Ngày nay, Logistics chỉ cơ chế quản lý, vận hành và điều phối các luồng di chuyển của hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ một cách hiệu quả nhất. Những quy trình này đảm bảo rằng sản phẩm của các ngành công nghiệp (nông lâm thủy sản, điện tử, dệt may, cơ khí, dịch vụ,...) được gửi đi đúng lúc, đúng nơi và đến tay người nhận trong tình trạng hoàn hảo. 

Quản trị Logistics vì thế, là quản lý tích hợp thông tin liên lạc, vận tải, tồn kho, lưu kho, đóng gói và giao/nhận hàng hóa.

Logistics và quản lý chuỗi cung ứng là gì?

Chuỗi cung ứng (supply chain) là mạng lưới tổ chức, nhân viên, hoạt động, thông tin, hàng hóa và các nguồn lực liên quan đến logistics, từ khâu khai thác nguyên liệu thô đến khâu bán hàng. Quản lý chuỗi cung ứng (supply chain management - SCM) là khái niệm rộng hơn Logistics, là công việc bao quát, vận hành, phân tích và cải thiện toàn bộ quá trình trên.

Vì có mối quan hệ mật thiết và phụ thuộc lẫn nhau, các doanh nghiệp có xu hướng hợp nhất hai khái niệm này lại, ngành học Logistics vì thế cũng thường được gọi là ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. 

Sale Logistics là gì?

Trong thuật ngữ này, "sale" chỉ việc bán hàng hoặc tiếp thị sản phẩm. Vậy nên, Sale Logistics là ngành phụ trách quá trình hoàn thành một đơn đặt hàng bằng cách di chuyển sản phẩm qua chuỗi cung ứng của công ty.

Các hoạt động trong Sale Logistics bao gồm: dự đoán nhu cầu mua hàng của người tiêu dùng, đặt hàng từ các nhà cung cấp và đảm bảo rằng các sản phẩm được giao cho khách hàng đúng thời hạn.

Logistics và xuất nhập khẩu

Logistics đóng vai trò quan trọng trong quá trình xuất nhập khẩu. Để thực hiện thành công các giao dịch thương mại quốc tế, nhân viên xuất nhập khẩu phải nắm được hệ thống logistics hiệu quả. 

Logistics giúp đảm bảo rằng hàng hóa được xử lý và vận chuyển từ quốc gia xuất khẩu đến quốc gia nhập khẩu một cách nhanh chóng và đúng quy trình. Dịch vụ Logistics cũng cần phải tương thích với các quy định, mức thuế xuất nhập khẩu của mỗi quốc gia và luật pháp quốc tế.

Các thuật ngữ trong Logistics

  • Supplier: Nhà cung ứng
  • Retailer: Nhà bán lẻ
  • Transportation: Vận tải
  • Warehouse network: Mạng lưới kho
  • Order: Đơn hàng
  • Lead Time: Thời gian đáp ứng của doanh nghiệp
  • Bill of lading (BOL): Vận đơn
mau-cv-logistics
Mẫu CV logistics tạo bởi CakeResume

Ngành Logistics học gì và học ở đâu?

Ngành Logistics là gì?

Học ngành Logistics, sinh viên nghiên cứu và học cách áp dụng các quy trình, phương pháp và kỹ thuật quản lý để điều phối và tối ưu hóa việc di chuyển hàng hóa và dịch vụ từ nguồn gốc đến điểm tiêu dùng. 

Ngành Logistics học gì?

Ở trình độ đại học, một số tín chỉ quan trọng trong ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng bao gồm: 

  • Hệ thống thông tin quản lý 
  • Quản lý chuỗi cung ứng
  • Quản lý nguồn cung và chiến lược sử dụng ngoại lực
  • Quản lý sản xuất 
  • Quản lý tồn kho và kho bãi
  • Quản trị mua sắm
  • Thanh toán điện tử
  • Logistics điện tử
  • Luật thương mại quốc tế
  • Kinh doanh quốc tế

Các trường đại học đào tạo ngành Logistics uy tín

Học Logistics ra làm gì?

Đến đây chắc hẳn bạn đã hiểu Logistics là gì, nhưng còn cơ hội việc là cho sinh viên ra trường ngành này thì sao? Thực tế là, cơ hội việc làm Logistics ở cả doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp quốc tế, hay nhà nước đều rất rộng mở. 

Nhưng mức lương cho sinh viên ra trường ngành này có “hậu hĩnh” như lời đồn? Tham khảo ngay 7 cơ hội nghề nghiệp ngành Logistics dưới đây và mức lương trung bình của mỗi nghề để tìm ra câu trả lời nhé!

1. Nhân viên sale xuất nhập khẩu

Làm nhân viên sale ở các công ty chuyên xuất nhập khẩu, công việc của bạn sẽ bao gồm:

  • Kiểm tra, theo dõi, báo cáo kế hoạch nhập, xuất hàng hóa.
  • Khai báo đăng ký kiểm tra chất lượng.
  • Chốt đơn hàng và xuất hóa đơn cho khách hàng.
  • Lên tờ khai hải quan xuất nhập khẩu.
  • Theo dõi xử lý các đơn hàng.
sale-la-gi
Các vị trí công việc của ngành Sales

Sinh viên ra trường ngành học logistics được đặc biệt ưu tiên cho vị trí này và có thể nhận mức lương khởi điểm khoảng 8-15 triệu VNĐ/tháng.

Đọc thêm: Từ A-Z về nghề sales & nhân viên kinh doanh

2. Nhân viên kinh doanh Logistics

Trong vai trò nhân viên kinh doanh cho một công ty cung cấp dịch vụ logistics, công việc của bạn gồm có:

  • Tìm kiếm, tư vấn cho khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics trong nước, quốc tế (dịch vụ đường biển/hàng không, dịch vụ hải quan, thông quan hàng nhập khẩu,…).
  • Báo giá, tư vấn tìm nguồn hàng cho khách hàng.
  • Phối hợp cùng các bộ phận liên quan để hoàn thành các đơn hàng, báo cáo kết quả làm việc cho trưởng bộ phận.

Tùy vào quy mô công ty mà mức lương của nhân viên kinh doanh logistics có thể dao động từ 8-10 triệu VNĐ/tháng cho vị trí fresher và 20-40 triệu VNĐ/tháng cho vị trí yêu cầu nhiều kinh nghiệm hơn. 

3. Nhân viên thu mua

Nhân viên thu mua Logistics là làm các công việc liên quan đến mua sắm và tiếp nhận hàng hóa, dịch vụ và vật tư cho công ty, cụ thể là:

  • Tìm kiếm nguồn hàng, nguyên vật liệu dựa trên các tiêu chí về giá và chất lượng.
  • Duy trì mối quan hệ với nhà cung ứng.
  • Đảm bảo nguồn hàng đủ số lượng, đạt chất lượng.
  • Đối chiếu hàng hóa thu mua với tiến độ sản xuất/kinh doanh, đề xuất giải pháp thay thế nếu cần thiết.
  • Kiểm soát hàng tồn kho.

Mức lương trung bình của nhân viên thu mua Logistics mới bắt đầu là 7-10 triệu VNĐ/tháng. Con số này có thể lên đến 15-25 triệu VND/tháng đối với các công ty lớn kinh doanh những mặt hàng như ô tô, mỹ phẩm nhập khẩu,....

4. Nhân viên chứng từ

Nhân viên chứng từ được giao những trách nhiệm như:

  • Kiểm tra, hoàn thiện các chứng từ, hồ sơ và xử lý các vận đơn, hợp đồng,... cho các lô hàng xuất nhập khẩu.
  • Kiểm tra, thông báo các thông báo mã booking, thông tin trì hoãn (delay), thay đổi lịch trình hàng hóa cho khách hàng.
  • Giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến chứng từ.
  • Lưu trữ chứng từ.

Mức lương cho sinh viên ra trường ngành học logistics làm chứng từ là từ 8 đến trên 10 triệu VNĐ/tháng.

5. Nhân viên kế hoạch sản xuất (Demand planner)

Demand planning là một khía cạnh quan trọng của quản lý chuỗi cung ứng, là quá trình dự đoán cho mức độ nhu cầu dự kiến cho một sản phẩm hoặc dịch vụ, sau đó lập kế hoạch logistics phù hợp. Demand planner có những công việc chính sau:

  • Thu thập dữ liệu về doanh số bán hàng, xu hướng thị trường,...
  • Dự đoán nhu cầu.
  • Xác định kế hoạch cung ứng.
  • Đánh giá và phối hợp cùng các bộ phận khác điều chỉnh kế hoạch logistics.

8-15 triệu là mức lương bạn có thể nhận được cho vị trí demand planner cấp đầu vào.

6. Thủ kho

Một ngày của một thủ kho bao gồm nhiều nhiệm vụ, đó có thể là:

  • Giao - nhận hàng đến kho, hoàn kho,...
  • Kiểm soát số lượng và bảo quản sản phẩm trong kho.
  • Tiếp nhận phiếu xuất kho và lập phiếu xuất hàng.
  • Ghi chép đầy đủ các nghiệp vụ nhập xuất kho vào các chứng từ, sổ sách.

Nhân viên thủ kho nhận mức lương trung bình 9-15 triệu VNĐ/tháng.

7. Nhân viên hải quan

Sinh viên ra trường ngành Hải quan và Logistics có thể làm nhân viên hải quan tại các cửa khẩu, cảng biển quốc tế, sân bay và các cơ quan hải quan. Nhiệm vụ của nhân viên hải quan rất quan trọng trong quản trị logistics, bao gồm:

  • Kiểm tra tính chính xác và hợp pháp trong giấy tờ và thủ tục xuất nhập khẩu.
  • Phân luồng, kiểm tra hàng hóa. 
  • Phụ trách xử lý các thủ tục liên quan đến hải quan như hoàn thuế, lập biên bản.
  • Phát hiện và ngăn chặn các hàng hóa nhập khẩu trái pháp luật.
  • Lưu trữ hải quan.

Theo bảng lương công chức hải quan năm 2023, nhân viên hải quan nhà nước có mức lương từ 3.3-7.3 triệu VND/tháng tùy vào hệ số. 



📍Kết luận:

Nhu cầu nhân lực ngành dịch vụ Logistics được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong nhiều năm tới, đóng góp đáng kể cho quá trình cải thiện chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế bền vững của đất nước. Qua bài viết ngày, mong rằng các bạn đã trang bị được kiến thức cơ bản về Logistics là gì, và tại sao ngành này lại là một phần không thể thiếu trong kinh doanh và thị trường hiện đại. 

Nếu như bạn quan tâm và muốn tìm hiểu thêm về nhiều ngành học và cơ hội việc làm hơn nữa, tham khảo series bài viết định hướng sự nghiệp của CakeResume tại đây nhé!

Đọc thêm: Nhảy việc: Kinh nghiệm nào để tìm việc thành công?

CakeResume là một trong các trang web tuyển dụng uy tín, được nhiều doanh nghiệp và ứng viên lựa chọn. Dù bạn đang tìm kiếm chương trình thực tập, việc làm online hay full-time thì đều có thể dễ dàng tiếp cận cơ hội nghề nghiệp mình mong muốn. Tìm kiếm việc làm phù hợp và ứng tuyển ngay hôm nay!

--- Tác giả bài viết: Dasie Pham ---

Resume Builder

Build your resume only in minutes!

More Articles you might be interested in

Latest relevant articles
Workplace
Mar 6th 2024

Cách trả lời thư mời nhận việc chuyên nghiệp (kèm email mẫu)

Dù chấp nhận hay từ chối, việc viết email trả lời thư mời nhận việc sẽ giúp nhà tuyển dụng nắm được quyết định của bạn và kịp thời tiến hành các bước tiếp theo.