Mô hình STAR là gì? Cách sử dụng mô hình STAR trong phỏng vấn

mo-hinh-star
Cách trả lời phỏng vấn theo mô hình STAR

Cách tốt nhất để chọn một ứng viên xuất sắc là dành 90% thời gian phỏng vấn cho những ứng viên đó trình bày quan điểm. Điều này chứng tỏ muốn chinh phục nhà tuyển dụng, ứng viên phải có chiến thuật “đáp trả” bẫy câu hỏi một cách thông minh. Và một trong những bí quyết phỏng vấn đặc biệt giúp bạn giải quyết được vấn đề này chính là phương pháp STAR. 

Vậy mô hình STAR là gì? Áp dụng phương pháp STAR để trả lời các câu hỏi tình huống trong phỏng vấn như thế nào? Hãy cùng CakeResume khám phá chiến thuật đặc biệt này kết hợp cùng tham khảo bài viết “10 câu hỏi tình huống khi phỏng vấn và cách trả lời trơn tru” để vượt qua bài phỏng vấn một cách xuất sắc nhé!

Mô hình STAR là gì?

Khái niệm

Mô hình STAR là một mô hình cho phép ứng viên có thể trả lời các dạng câu hỏi tình huống mà nhà tuyển dụng đưa ra một cách rõ ràng, đúng trọng tâm.

STAR là viết tắt của: 

  • S - Situation: Giới thiệu về một sự kiện, tình huống bạn đối mặt. Tình huống đó diễn ra trong bối cảnh nào, ở đâu, khi nào và bạn là ai trong tình huống đó.
  • T - Task: Thuật lại vai trò, nhiệm vụ chính của bạn trong tình huống này là gì.
  • A - Action: Diễn tả chi tiết từng hành động cụ thể mà bạn đã thực hiện khi giải quyết tình huống này. Đây là phần quan trọng nhất để ứng viên tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng nên bạn cần trình bày cụ thể những kỹ năng, chuyên môn mà bạn đã sử dụng trong việc giải quyết tình huống, qua đó chứng minh năng lực của bản thân. 
  • R - Result: Chia sẻ kết quả đạt được sau khi hành động. Nên kết hợp với số liệu cụ thể hoặc bài học rút ra từ lần đó để tăng tính thuyết phục. 

Ví dụ về câu hỏi áp dụng mô hình STAR trong phỏng vấn: 

  • Hãy đưa ra một ví dụ cho thấy bạn là một người có khả năng làm việc nhóm hiệu quả?
  • Bạn đã từng gặp khó khăn khi thuyết phục khách hàng mua sản phẩm hay chưa? Nếu khách hàng khiếu nại, bạn sẽ làm gì để “xoa dịu” họ? 
  • Hãy kể về một lần bạn vẫn làm tốt công việc dù gặp nhiều áp lực?

Bằng cách tuân theo 4 bước tiêu chuẩn của phương pháp STAR trong phỏng vấn, ứng viên có thể trả lời câu hỏi tình huống theo dạng câu chuyện có dàn ý logic, mạch lạc, tránh sự lan man, không đúng trọng tâm, cũng như giúp nhà tuyển dụng đánh giá chính xác mức độ phù hợp của bạn với vị trí ứng tuyển. 

Cách sử dụng phương pháp phỏng vấn STAR hiệu quả

✅ Kể một trải nghiệm điển hình nhất phù hợp với câu hỏi

Việc áp dụng mô hình STAR trong phỏng vấn chỉ thực sự hiệu quả nếu bạn tìm được một tình huống điển hình liên quan đến nội dung được hỏi. Thực tế, không có cách nào để bạn nắm bắt được suy nghĩ và những câu hỏi mà nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn hoặc hỏi về vấn đề gì. Vậy nên bạn hãy chủ động chuẩn bị sẵn một số câu chuyện mà bạn cho rằng chúng có thể giúp bạn thích ứng với các câu hỏi mà nhà tuyển dụng đưa ra. 

Nên nghĩ về những kinh nghiệm, thành tựu bạn đã “gặt hái” khi làm công việc cũ và sắp xếp câu chuyện theo mô hình STAR. Nếu gặp khó khăn khi sắp xếp nội dung, trình tự câu chuyện trong đầu, hãy cứ thoải mái xin phép nhà tuyển dụng cho bạn một vài phút để tập trung suy nghĩ. Bởi một câu trả lời logic, mạch lạc sau vài phút suy nghĩ sẽ đáng giá hơn một câu trả lời vội vàng nhưng sáo rỗng.

Đọc thêm: Top 20+ câu hỏi phỏng vấn thường gặp kèm kịch bản trả lời

✅ Trình bày tình huống chi tiết, logic

Sau khi đã chọn xong tình huống phù hợp với câu hỏi, bạn hãy dành thời gian để sắp xếp các tình tiết diễn ra theo trình tự cụ thể, logic và lược bỏ những chi tiết không cần thiết. Việc làm này sẽ tăng tính thực tế và sự lôi cuốn cho khi bạn trả lời phỏng vấn xin việc. 

Lưu ý, bạn chỉ nên đề cập tới 1 - 2 vấn đề cụ thể và tập trung vào những gì thật sự liên quan đến câu hỏi để đến phần nêu kết quả sẽ tạo ấn tượng hơn với nhà tuyển dụng. Một nguyên tắc giúp việc áp dụng phương pháp STAR trong phỏng vấn đem lại hiệu quả cao chính là sự đơn giản. Vì việc diễn đạt thật ngắn gọn, logic sẽ giúp bạn tự tin hơn và tránh mắc lỗi lan man, dài dòng gây khó hiểu. Vậy nên hãy cố gắng chỉ dùng 1 - 2 câu trả lời cho mỗi bước nhé!

✅ Nhấn mạnh vào nhiệm vụ bạn phải làm và cách thực hiện trong tình huống đó

Khi đã nêu ra tình huống cụ thể, đã đến lúc để bạn đi vào việc kể chi tiết những việc bạn phải làm để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ở bước này bạn nên tập trung giải thích những công việc chính theo phương pháp STAR bằng cách chia nhỏ phần trình bày theo dạng trả lời các câu hỏi nhỏ như: “Bạn làm vị trí gì trong tình huống đó? Bạn có lên kế hoạch cho công việc này không? Kế hoạch đó diễn ra như thế nào? Bạn đã sử dụng những kỹ năng, mối liên hệ nào để giải quyết công việc?”.  

Để tăng tính thuyết phục, bạn có thể kết hợp nêu số liệu hoặc dẫn chứng cụ thể nhằm tạo ấn tượng, ghi điểm với nhà tuyển dụng so với các ứng viên khác. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc diễn đạt, trình bày thì có thể tham khảo: “Cách trả lời phỏng vấn hay, nhận ngay vé "pass"” trên CakeResume để có câu trả lời hoàn hảo nhất. 

✅ Nhấn mạnh vào kết quả đạt được

Các nhà tuyển dụng thường có xu hướng quan tâm đến kết quả mà bạn đạt được từ trải nghiệm của bản thân. Bởi đây là đánh giá xác thực nhất cho toàn bộ những điều bạn đề cập tới trong quá trình trả lời các câu hỏi tình huống khi phỏng vấn. Điều bạn cần làm là chia sẻ với nhà tuyển dụng bài học, giá trị hoặc kinh nghiệm nào đó bạn rút ra từ câu chuyện/ tình huống bạn đã trải qua. 

ky-nang-phong-van-xin-viec
Đọc thêm: 15+ kỹ năng phỏng vấn xin việc thành công

Ví dụ câu trả lời phỏng vấn với mô hình STAR

1. Hãy kể một lần bạn hoàn thành tốt công việc dù gặp nhiều áp lực ở công ty cũ. 

Cách trả lời câu hỏi tình huống khi phỏng vấn theo mô hình STAR như sau:

[S] Khi làm ở công ty cũ, tôi từng được giao vị trí Quản lý kênh YouTube một cách bất ngờ vì người quản lý cũ có em bé và không thể tiếp tục làm việc. Khi đó, tôi có 2 tháng để thử việc theo yêu cầu từ cấp trên. 

2. Vậy trong vòng 1 tháng, cấp trên của bạn đã giao bạn làm việc gì? 

[T] Trong tuần 1 của tháng đầu tiên, tôi nhận bàn giao từ vị quản lý cũ và ghi chú lại những định hướng, quy trình vận hành, quản lý kênh trước đó. Sang tuần thứ 2, cấp trên yêu cầu tôi lên kế hoạch định hướng kênh mới do định hướng cũ không còn phù hợp. Sau khi làm xong tôi gửi file cho cấp trên và được phê duyệt, đồng thời nhận mức KPI trong 2 tháng là 1.000.000 lượt like và 2000 người đăng ký kênh. Thời điểm đó, kênh Youtube của chúng tôi có 125 nghìn người đăng ký. 

3. Bạn đã làm gì để hoàn thành nhiệm vụ trên?

Ở câu hỏi này, bạn có thể áp dụng phương pháp STAR để liệt kê những công việc cụ thể bạn từng làm để hoàn thành nhiệm vụ.

[A] Đầu tiên là tôi nghiên cứu và đánh giá kênh theo 9 chỉ số lần lượt là: tổng lượng thời gian xem video trên kênh, số lượt người xem video, tỷ lệ giữ chân người xem, mức độ tương tác, số lượng người đăng ký, số lượng người xem hàng ngày, nguồn traffic kênh, khoanh vùng đối tượng yêu thích kênh và danh sách 5 video được xem nhiều nhất để nắm tình trạng phát triển của kênh. 

Tiếp theo, tôi rà soát các kênh đối thủ đồng thời xây dựng bộ từ khóa tìm kiếm nhiều nhất trên Youtube để tối ưu tiêu đề sản phẩm. Cuối cùng tôi lên kế hoạch định hướng kênh và lập bảng biểu thời gian sản xuất, số lượng video mỗi tuần. 

4. Sau 2 tháng thử việc bạn đã đạt được thành tựu gì?

[R] Kết quả sau 2 tháng thử việc ở vị trí Quản lý kênh Youtube tôi đã đạt được KPI cấp trên đưa ra. Kế hoạch định hướng kênh của tôi cũng được công ty đánh giá cao và áp dụng cho các tháng tiếp theo. 

📍 Kết luận

Hy vọng những thông tin được cung cấp trong bài viết này sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ mô hình STAR là gì và cách trả lời câu hỏi tình huống khi phỏng vấn theo phương pháp này. Đây là một phương pháp hữu hiệu giúp ứng viên chinh phục những câu hỏi khó từ nhà tuyển dụng một cách dễ dàng. Hãy chăm chỉ luyện tập thường xuyên để tìm ra cách trả lời phỏng vấn hấp dẫn giúp bạn tiến gần hơn với ước mơ nghề nghiệp nhé!

Công cụ tạo CV miễn phí trên CakeResume cung cấp hơn 500 mẫu CV đa ngành nghề và các bài viết về tip làm CV hữu ích. Nhờ đó, bạn có thể tạo CV online dễ dàng mà vẫn vô cùng ấn tượng. Hãy thu hút nhà tuyển dụng và chinh phục công việc mơ ước với bản CV chuyên nghiệp ngay hôm nay!

--- Tác giả bài viết: Chloe Tran ---

Resume Builder

Build your resume only in minutes!

More Articles you might be interested in

Latest relevant articles
Workplace
Mar 6th 2024

Cách trả lời thư mời nhận việc chuyên nghiệp (kèm email mẫu)

Dù chấp nhận hay từ chối, việc viết email trả lời thư mời nhận việc sẽ giúp nhà tuyển dụng nắm được quyết định của bạn và kịp thời tiến hành các bước tiếp theo.