Sức mạnh của tư duy tích cực và 7 cách rèn luyện bạn nên biết

tu-duy-tich-cuc
Làm sao để suy nghĩ tích cực?

Bạn có xu hướng nhìn ly nước vơi một nửa hay đầy một nửa? Đó là câu hỏi tâm lý đơn giản để kiểm tra con người thường tư duy tích cực hoặc tư duy tiêu cực về cuộc sống.

Tư duy theo hướng tích cực luôn được nhấn mạnh là mang lại nhiều lợi ích hơn tư duy tiêu cực. Nó không chỉ quyết định mức độ hạnh phúc của mỗi cá nhân, mà còn là kỹ năng mềm cần mài giũa để thành công trong bất kỳ lĩnh vực công việc nào.

Vậy bạn biết cách vận dụng và rèn luyện tư duy tích cực sao cho sắc bén chưa? Cùng CakeResume tìm hiểu trong bài viết này nhé!

Tư duy tích cực là gì?

Tư duy tích cực là cách đối diện với những tình huống khó khăn trong cuộc sống bằng góc nhìn lạc quan, nhưng không có nghĩa là phi thực tế, phớt lờ, và che đậy những khía cạnh tiêu cực khác.

Ví dụ:

Biểu hiện của suy nghĩ tích cực tại nơi làm việc là bạn biết đặt mục tiêu vừa sức, thay vì cố giữ những tiêu chuẩn hoàn hảo không thể thực hiện, cũng như không phóng đại sai sót nhỏ của bản thân hay đồng nghiệp thành vấn đề lớn.

Vì sao cần có tư duy tích cực trong công việc?

💡 Đảm bảo hiệu suất làm việc 

Nghiên cứu của Tiến sĩ Martin Seligman từ Đại học Pennsylvania đã cho thấy: các nhân viên sale biết cách để suy nghĩ tích cực, bán được nhiều sản phẩm hơn đến 56% so với người bình thường.

Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ về tư duy tích cực tại nơi làm việc mang lại những lợi ích gì. Trên hết, kỹ năng tư duy tích cực có thể định hướng đúng đắn cho bạn, tránh xao nhãng bởi câu chuyện ngoài lề, và tập trung tối đa vào những gì mình đang làm. Từ đó, bạn tối ưu hóa được hiệu suất làm việc, mở rộng các mối quan hệ và dễ thăng tiến hơn.

💡 Duy trì work-life balance 

Nếu bạn đang tìm kiếm ý nghĩa của thái độ sống tích cực, hãy lấy work-life balance làm kim chỉ nam. Sở dĩ xã hội ngày càng chú trọng đến yếu tố cân bằng không chỉ vì vai trò nâng cao chất lượng cuộc sống của nó, mà còn nhờ khả năng nạp lại suy nghĩ tích cực.

Vậy đích đến cuối cùng của suy nghĩ tích cực là gì? Đó chính là sự hài lòng, hạnh phúc, mà chỉ có được khi bạn biết sắp xếp công việc, lập thời gian biểu hợp lý và dành thời gian thư giãn, gắn kết bên gia đình, bạn bè.

work-life-balance
Cách cân bằng công việc và cuộc sống

💡 Mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe

Sức mạnh của tư duy tích cực còn được thể hiện về mặt sức khỏe và đã được chứng minh như:

  • Tăng tuổi thọ
  • Tăng sức đề kháng với bệnh tật
  • Tỷ lệ bị trầm cảm thấp hơn
  • Phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần
  • Giảm nguy cơ đột quỵ
  • Giảm nguy cơ tử vong do các bệnh tim mạch, hô hấp, nhiễm trùng, ung thư

💡 Giải quyết vấn đề tốt hơn

Theo nhà tâm lý học tích cực Martin Seligman, người suy nghĩ tích cực thường tự nhận thức vấn đề theo hướng giảm thiểu mức độ nghiêm trọng. Vậy nên họ ít gặp căng thẳng trước thử thách, từ đó, kỹ năng giải quyết vấn đề cũng tốt hơn.

Ngay cả khi đối diện với biến cố lớn ập đến, họ vẫn có thể đứng vững bằng sự kiên cường đã “tôi luyện” qua thời gian, và tự mình vực dậy tinh thần để thêm lần nữa rút ra bài học về tư duy tích cực. 

💡 Nâng cao kỹ năng lãnh đạo

Kỹ năng tư duy tích cực giống như nghệ thuật ứng xử “đắc nhân tâm” gối đầu giường của bất kỳ người lãnh đạo nào được nhân viên yêu quý. Chỉ khi bạn tư duy theo hướng tích cực, bạn mới có thể nhẹ nhàng thông cảm với những sai lầm của nhân viên, biết khen ngợi và ghi nhận nỗ lực của họ đúng lúc.

Dần dần, suy nghĩ tích cực giúp người lãnh đạo truyền lửa và tạo nên hiệu ứng “domino”, khiến mọi người trong nhóm đều có mong muốn hỗ trợ đồng nghiệp, cũng như phấn đấu vì mục tiêu chung.

ky-nang-lanh-dao
Ví dụ về kỹ năng lãnh đạo

Làm sao để suy nghĩ tích cực?

1. Nhìn thấy mặt tốt trong mọi tình huống

Dẫu biết điều này không dễ làm, nhưng cố gắng nhìn thấy mặt tốt của vấn đề là bước quan trọng đầu tiên để rèn luyện tư duy tích cực. Cũng bởi mọi thứ đều có hai mặt, giống như câu hỏi: điều gì sẽ xảy ra nếu bạn thay đổi cách phản ứng với thất bại? 

Bạn có thể xem đó là trở ngại và khó khăn, nhưng bạn cũng được quyền xem đó là cơ hội để thêm trải nghiệm mới, nâng cao kỹ năng và rút ra bài học về tư duy tích cực để thành công.

2. Luôn nỗ lực tìm kiếm giải pháp 

Biểu hiện của suy nghĩ tích cực là tập trung vào giải pháp, thay vì vấn đề ai đúng ai sai, bởi vì cách nghĩ như vậy không chỉ “thừa thãi”, mà còn chuyển hướng bạn sang kiểu tư duy tiêu cực, đổ lỗi, và né tránh việc đối diện với cảm xúc của chính mình.

Do đó, trong bất kỳ trường hợp nào, hãy thật bình tĩnh khi nhìn nhận sự việc và ra quyết định. 

3. Học cách buông bỏ nỗi sợ

Khi cảm thấy lo lắng, 4 câu hỏi dưới đây sẽ giúp bạn lấy lại tinh thần và biết cách để sống tích cực hơn:

  • Tôi đang sợ hãi điều gì?
  • Tại sao tôi lại cảm thấy thế?
  • Nỗi sợ nào là hợp lý và nỗi sợ nào thì không?
  • Trong trường hợp xấu nhất, tôi sẽ làm gì?

Thông thường, ngay cả trường hợp xấu nhất cũng không tệ như bạn nghĩ. Hơn nữa, chúng ta không thể kiểm soát mọi thứ, dù bản thân giỏi hay cầu toàn đến mức nào. Tuy nhiên, thứ bạn luôn có thể thay đổi chính là cách nhìn nhận vấn đề.

Vậy nên hãy can đảm buông bỏ tâm lý đề phòng, cũng như tư duy tiêu cực, và sớm tìm lại năng suất hiệu quả tại nơi làm việc.

4. Thực hành lòng biết ơn

Lòng biết ơn là hạt giống nuôi dưỡng những tư duy tích cực để trở nên hạnh phúc hơn mỗi ngày. Khi gợi nhắc bản thân về sự hiện diện của những điều nhỏ nhặt nhưng mang ý nghĩa lớn như: có một mái nhà để quay về, có những người yêu thương mình, có sức khỏe tốt, được làm điều mình thích,... bạn sẽ cảm thấy bản thân may mắn nhường nào.

Dưới đây là 5 thói quen giúp sống tích cực hơn mỗi ngày:

  • Viết ra 10 điều khiến bạn biết ơn vào mỗi buổi sáng hoặc trước khi ngủ
  • Thiền 10 - 20 phút hoặc thực hành 3 hơi thở chánh niệm hàng ngày
  • Tập thói quen giúp đỡ người khác
  • Hãy nói lời yêu thương, khen ngợi ai đó thường xuyên
  • Kiểm soát cảm xúc ghen tỵ, và tập trung vào những gì đang có

5. Kết nối với những người có tư duy tích cực khác

Trong cuốn sách Nhà Giả Kim, Paulo Coelho viết: “Khi bạn khao khát một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp bạn đạt được điều đó.” 

Vậy nên nếu bạn kiên trì rèn luyện tư duy tích cực mỗi ngày, bạn sẽ tự nhiên thu hút được nhiều người cùng tần số đến với mình. Họ sẽ là tấm gương để bạn theo đuổi, và truyền động lực cho bạn không ngừng phát triển bản thân. Lúc đó, bạn chỉ cần giữ tâm thế cởi mở và sẵn sàng đón nhận thông điệp.

6. Đọc sách về kỹ năng tư duy tích cực

Đọc sách là một cách rèn luyện tư duy tích cực hiệu quả, bởi một quyển sách tốt giống như người bạn hiền. Thông qua việc đọc, bạn có thể tiếp cận gần hơn với tư tưởng thú vị của những vĩ nhân, và tự mở rộng thế giới quan của chính mình.

Tham khảo nhanh 6 đầu sách nổi tiếng về kỹ năng tư duy tích cực trong giới trẻ sau đây.

  • Sức mạnh của tư duy tích cực (Norman Vincent Peale)
  • Chìa khóa tư duy tích cực (Napoleon Hill)
  • SISU - Vượt qua tất cả (Joanna Nylund)
  • Bạn chỉ sống có một lần (Nhã Nam tuyển chọn)
  • Quẳng gánh lo đi và vui sống (Dale Carnegie)
  • Cửa tiệm hạnh phúc (Lê Di)

7. Tự tuyên dương bản thân

Ít ai biết rằng việc tự tán thưởng không chỉ tạo động lực để bản thân tiếp tục tiến về phía trước, mà còn dạy chúng ta cách đối xử tốt với chính mình. Từ đó, bạn mới có thể tập trung cải thiện kỹ năng tư duy tích cực.

Có nhiều cách để khuyến khích bản thân nỗ lực trong công việc. Giả sử bạn đặt mục tiêu hoàn thành một nhiệm vụ khó trước deadline, và vào cuối tuần, bạn tự thưởng cho mình chuyến đi chơi xa. 

deadline-la-gi
Đọc thêm: Ý nghĩa của deadline trong công việc

📍 Kết luận

Tư duy tích cực không phải là thứ sinh ra đã có. Nhưng bạn có thể học kỹ năng này qua thời gian, nếu kiên trì thực hiện theo những cách rèn luyện tư duy tích cực để thành công mà CakeResume đã gợi ý ở trên.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý một số “cạm bẫy” tiềm tàng của suy nghĩ tích cực thái quá, có thể gây hại cho sức khỏe tinh thần. Do đó, hãy luôn sáng suốt và tĩnh tâm khi đối diện với thử thách bạn nhé!

Đọc thêm: Toxic productivity là gì? 5 cách để không bị "năng suất độc hại"

Công cụ tạo CV miễn phí trên CakeResume cung cấp hơn 500 mẫu CV đa ngành nghề và các bài viết về tip làm CV hữu ích. Nhờ đó, bạn có thể tạo CV online dễ dàng mà vẫn vô cùng ấn tượng. Hãy tìm việc làm phù hợp và thu hút nhà tuyển dụng với bản CV chuyên nghiệp ngay hôm nay!

--- Tác giả bài viết: Vera Le ---

Resume Builder

Build your resume only in minutes!

More Articles you might be interested in

Latest relevant articles
Workplace
Mar 6th 2024

Cách trả lời thư mời nhận việc chuyên nghiệp (kèm email mẫu)

Dù chấp nhận hay từ chối, việc viết email trả lời thư mời nhận việc sẽ giúp nhà tuyển dụng nắm được quyết định của bạn và kịp thời tiến hành các bước tiếp theo.